Trồng gừng theo luống
KỸ THUẬT TRỒNG GỪNG THEO LUỐNG
Gừng là loại cây gia vị, cây thuốc quý được trồng khá phổ biến vì chúng dễ trồng, đa dạng và có hiệu quả kinh tế cao. Để đạt năng suất và chất lượng cao, cần chú ý từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch.
Chọn giống gừng
Nên chọn giống củ già và không bị sâu bệnh. Muốn gừng lên đều cần ủ gừng cho nảy mầm trước khi trồng. Đây là yếu tố quyết định trước tiên đến năng suất gừng.
Chuẩn bị gừng giống
Gừng giống phải để nơi thoáng mát rồi tiến hành bẻ hom bằng tay, vì khi dùng dao thì mầm bệnh sẽ từ củ này lây sang củ kia. Hom giống phải to, nguyên vẹn (từ 80 – 100g) mới đủ sức nuôi cây con khoẻ mạnh, trên mỗi nhánh phải có ít nhất một mắt mầm.
Thông thường, ngâm hom vào dung dịch thuốc trừ nấm Topsin hay Dithane 30 phút để trừ dịch bệnh rồi vớt ra để nơi khô ráo khoảng 2-3 ngày, sau đó tiến hành ủ giống. Tùy theo nhà chuyên môn mà xử lý phòng trừ bệnh trên củ giống có khác nhau.
Nếu có điều kiện, xử lý phòng trừ bệnh thối củ bằng chế phẩm Nano Bạc Đồng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trước khi ủ giống cần xử lý kích thích nảy mầm bằng chế phẩm Shellac theo cách ngâm trong dung dịch đã pha 5 phút. Ủ giống bằng cách trải một lớp cát mịn xuống nền dày 3-5 cm, đặt gừng thành 2-3 lớp, mỗi lớp rải thêm cát mịn cho kín kẽ, phủ một lớp rơm rồi tưới cho đủ ẩm. Sau nửa tháng thấy nhú mầm thì đem trồng.
Chuẩn bị đất trồng gừng
Thời vụ trồng gừng thích hợp là mùa xuân. Đất trồng gừng phải tơi xốp, đủ ẩm và thoát nước tốt. Đất được cày sâu 25 – 30cm, phơi ải, xới cho tơi rồi lên luống rộng 1,2-1,3 m. Khoảng cách trồng là 50 x 20cm, hàng x hàng = 50 cm, cây x cây = 20cm. Gừng là loại cây ưa bóng rợp, thích hợp nhất là ánh sáng tán xạ. Tuy nhiên nếu che ánh sáng kín quá cũng không tốt. Nếu trồng gừng dưới tán các cây ăn quả hoặc dưới giàn mướp, bầu bí, gấc, chanh leo, v.v… là thích hợp nhất. Nếu trồng gừng ngoài ruộng hoặc không có cây che bóng thì phải làm giàn lưới đen để che bớt nắng nóng.
Cách trồng gừng
Do gừng nảy chồi ngang nên đặt củ xuôi theo hàng trồng để chồi phát triển về bên hàng. Trong quá trình phát triển, không để gừng thiếu nước sẽ chậm lớn. Gừng là cây rất ưa ẩm nhưng lại không chịu úng, do khi bị úng dễ bị bệnh thối củ. Vì thế trong mùa mưa phải thoát nước tốt.
Bón phân cho gừng
Lượng phân sử dụng cho 1.000m2 là: 5.000kg phân hữu cơ ủ hoai ,Urê 20kg, super lân 25kg, Kaly 20kg, kèm với các yếu tố trung lượng, vi lượng, thêm vôi bột để tạo pH đất đạt từ 5,5-7. Để làm xốp đất cần trộn ủ thêm vào phân chuồng 200kg trấu/tấn. Có thể trộn đều cả lân, vôi và trấu với phân chuồng để ủ trước 1 tháng. Phân hữu cơ rất cần thiết cho gừng và là yếu tố quyết định lớn đến năng suất gừng. Bón lót toàn bộ phân hữu cơ, lân và vôi bột, 1/2 phân Urê và kali. Lượng phân Urê và kali còn lại chia ra 2 lần bón thúc, mỗi lần bón thúc cách nhau 60 ngày. Khi thấy bụi gừng có 2 – 3 cây con cao 30 cm tiến hành bón phân thúc lần 1 kết hợp với làm cỏ. Chú ý không để phân bám trên lá gừng sẽ làm cháy lá. Tùy theo chất đất mà có thể bón thúc thêm để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây. Trước khi trồng gừng cần rải thuốc trừ sâu bột Basudin lên mặt luống, lượng 5kg/1.000m2 để trừ các loại sâu có trong đất, nên trộn thêm với đất bột để rải cho đều. Sử dụng thêm chế phẩm phòng bệnh cho gừng theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn.
Tùy theo nhu cầu sử dụng mà thu hoạch gừng từ sau trồng 6-10 tháng trở đi.
Chúc bà con trồng gừng thắng lợi!
Biên soạn tài liệu: TS. VŨ ĐÌNH PHÚ
Phòng Kỹ thuật, công ty TNHH XNK Trí Đức.